(Xây dựng) - Ngày 15/3, tại dự án SwanBay Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã diễn ra Hội nghị trao đổi hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ lần 4, quý I/2024. Dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh và đại diện lãnh đạo các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin đến các đại biểu một số kết quả phối hợp đạt được trong năm 2023.
Theo đó, trong năm 2023, các Sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh được giao chủ trì triển khai các nội dung hợp tác song phương đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan của các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Đặc biệt là về lĩnh vực giao thông, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An triển khai các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, tiến độ; phối hợp trong triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc trong vùng.
Cụ thể, mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, đầu tư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, phối hợp Bộ Giao thông vận tải trong quá trình xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành…; nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Đồng Nai, Bình Dương; phối hợp quản lý, khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến vận tải hành khách Thành Phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu…
Về phối hợp triển khai “Thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam bộ”, năm 2023, có tổng cộng 43 nội dung phối hợp song phương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Tính đến hết năm 2023 đã hoàn thành 20 nội dung phối hợp cấp vùng, 19 nội dung hoàn thành một phần và 4 nội dung đang thực hiện.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao những kết quả mà các địa phương vùng Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong năm 2023, xem đây là nền tảng quan trọng để công tác phối hợp sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. “Các lĩnh vực giao thông, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối cần được tập trung đẩy mạnh phối hợp triển khai trong thời gian tới. Đây sẽ là động lực lớn để thúc đẩy giao thương, kế nối phát triển kinh tế vùng”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, qua rà soát, còn một số nội dung vẫn đang thực hiện, chưa đảm bảo kế hoạch đề ra như: Ban hành kế hoạch và chương trình đào tạo nguồn nhân lực vùng phục vụ chuyển đổi số cho đối tượng là lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ; tham mưu báo cáo Bộ Tài chính về phương án thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ như một ngân hàng chính sách mới do Chính phủ thành lập với nguồn vốn từ nhiều nguồn (quốc tế, Trung ương, địa phương và doanh nghiệp…); phối hợp nghiên cứu, bổ sung quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… Những nội dung này, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2024-2025, các địa phương vùng Đông Nam bộ vẫn sẽ ưu tiên tập trung phối hợp để thực hiện lĩnh vực giao thông, trong đó chú trọng vào các dự án giao thông kết nối.
Cụ thể, về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án thành phần, đảm bảo cơ bản hoàn thành Vành đai 3 năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Bên cạnh đó, nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp Vành đai 3 đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/02/2024 về đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ.
Đặc biệt, về các dự án cao tốc liên kết vùng và các dự án đường sắt, các địa phương sẽ tập trung hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành trong quý II/2023; Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thực hiện cao tốc Bến Lức - Long Thành; mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đường sắt: Thủ Thiêm - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu. Cùng với đó, thông qua kế hoạch và phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến Bình Dương, Đồng Nai.
Về vận tải đường bộ, đường thủy, đưa vào khai thác tuyến vận tải hàng hóa, hành khách kết hợp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo trong quý I/2024.
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương vùng Đông Nam bộ cũng sẽ tập trung ưu tiên phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam bộ, quy hoạch tỉnh/thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong quý II/2024; Nghiên cứu đề xuất quy hoạch hệ thống đường ven biển, bổ sung vào các đồ án quy hoạch liên quan; Đề xuất quy hoạch hành lang ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai; bổ sung quy hoạch các tuyến du lịch đường thủy dọc sông.
Cũng tại Hội nghị này, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định, hiện công tác phối hợp với các địa phương vùng Đông Nam bộ vẫn còn nhiều khó khăn cần kịp thời tháo gỡ. Điển hình như việc đầu tư cầu qua Sông Đồng Nai kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch. UBND Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đã cơ bản thống nhất các phương án cầu kết nối giữa 2 địa phương đối với cầu Cát Lái; cầu kết nối thành phố Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành và cầu kết nối khu Nam Thành phố Hồ Chí Minh (đường Hoàng Quốc Việt) với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Về nội dung này, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm xây dựng kế hoạch phối hợp đầu tư cầu Cát Lái.
Đối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, hiện nay Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2026, tuy nhiên mới chỉ có đường bộ, chưa có đường sắt kết nối hệ thống giao thông khu vực đến sân bay Long Thành. Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đồng bộ với thời gian khai thác sân bay Long Thành.
Cũng trong giai đoạn 2024-2025, việc kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) kết nối với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai cũng được quan tâm. Theo đó, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Giao thông vận tải các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và đơn vị tư vấn rà soát, tổng hợp, hoàn chỉnh phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 kết nối với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, báo cáo UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung này sẽ được triển khai trong quý II/2024.
Ngoài lĩnh vực giao thông, hiện nay, hệ thống đường ven biển đã được định hướng trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454/QĐ-TTg), tuy nhiên hướng tuyến chưa được thể hiện cụ thể trong quy hoạch tỉnh. Thời gian tới, các địa phương cũng sẽ tập trung phối hợp nghiên cứu, thống nhất hướng tuyến đường ven biển trong các đồ án Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh làm cơ sở triển khai đầu tư.
Quý khách vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ ngay để tư vấn và cung cấp toàn bộ thông tin về dự án cho Quý khách!